Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) được WHO, Bộ Y tế và các chuyên gia y tế khuyến cáo vì nhiều lợi ích từ sữa mẹ đối với sức khỏe không chỉ con mà của cả mẹ. NCBSM là phương pháp nuôi dưỡng tự nhiên và tối ưu nhất đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, là biện pháp có thể tác động nhiều nhất đến sự sống còn trong 2 năm đầu đời của trẻ...
Tuy vậy tỷ lệ NCBSM tại Việt nam giảm trong thời gian qua vì nhiều nguyên nhân đó là sự tham gia của phụ nữ vào đời sống xã hội, sự tấn công của nền công nghiệp sản xuất thực phẩm thay thế sữa mẹ …
Hưởng ứng Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ 01/8 - 07/8/2023 khoa CSSKSS-PS Trung tâm Y tế thành phố Bạc Liêu truyền thông với chủ đề: “Tăng cường hỗ trợ Nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc” nhằm khuyến khích các bà mẹ NCBSM, góp phần nâng cao sức khỏe, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trước hết, sữa mẹ là thức ǎn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa có thành phần đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng. Sữa mẹ bảo vệ trẻ không tăng cân quá mức (thừa cân, béo phì) nhất là trong 2 năm đầu đời và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính khi trưởng thành (đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch…)
Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tǎng cường sức đề kháng cho trẻ. Trong sữa mẹ có những yếu tố miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể mà không một thức ǎn nào có thể thay thế được nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh.
Cho trẻ bú sữa mẹ rất thuận lợi vì không phụ thuộc vào giờ giấc, không cần dụng cụ pha chế. Trẻ bú sữa mẹ sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với nuôi bằng sữa công thức vì sữa mẹ không mất tiền mua.
NCBSM sẽ tăng cường tình cảm gắn bó mẹ con, đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho sự phát triển hài hòa của đứa trẻ. Khi cho con bú, mẹ thường xuyên tiếp xúc, gần gũi con sẽ giúp gắn bó tình cảm mẹ và con, bà mẹ cảm thấy thoải mái tinh thần, yên tâm và giảm được sự lo âu, trầm cảm sau sinh, trẻ được tiếp xúc gần gũi mẹ, được âu yếm sẽ ít khóc hơn, cảm giác an toàn hơn, tinh thần, trí tuệ trẻ phát triển tốt hơn.
Đối với mẹ, nếu cho con bú sớm sau sinh giúp tử cung co hồi tốt, giảm nguy cơ băng huyết, nên hạn chế mất máu sau sinh. Cho con bú sớm sau khi sinh mẹ nhanh lên sữa, các nang tuyến vú co lại đưa sữa ra ngoài, các ống dẫn sữa thông sớm tránh tắc, áp-xe tuyến vú.
NCBSM giúp cho mẹ hồi phục nhanh cân nặng, vóc dáng ban đầu, giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng, tử cung; chậm có thai trở lại, góp phần hạn chế sinh đẻ vì khi trẻ bú mẹ sẽ ức chế sự rụng trứng.
Muốn có sữa cho con bú thì người mẹ ngay trong thời kỳ mang thai cần được ǎn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, giúp người mẹ tǎng cân tốt (10 - 12kg).
Khi NCBSM, điều trước tiên cần phải quan tâm là người mẹ cần được ǎn đủ, uống đủ, ngủ đủ. Khẩu phần ǎn cần cao hơn mức bình thường. Nên hạn chế các thức ǎn gia vị như ớt, hành, tỏi có thể qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú. Khi cho con bú, nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa. Người mẹ cho con bú cần uống nhiều nước, nước hoa quả, sữa... (mỗi ngày khoảng một lít rưỡi đến hai lít).
NCBSM tinh thần của người mẹ phải thoải mái, tránh những căng thẳng, cảm xúc buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Chế độ lao động nghỉ ngơi sau khi sinh có ảnh hưởng đến bài tiết sữa. Điều quan trọng để tạo nhiều sữa, người mẹ cần cho con bú thường xuyên và bú đúng cách./.
Ngọc Bích