Truyền thông GDSK
BỆNH CÚM VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC TIÊM NGỪA CÚM

BỆNH CÚM VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC TIÊM NGỪA CÚM

Thời điểm giao mùa luôn là thời điểm nhạy cảm đối với sức khỏe chúng ta, trong các loại dịch bệnh diễn ra vào thời điểm này có bệnh Cúm mùa. Đây là bệnh đã từng gây ra những trận đại dịch tương tự như đại dịch Covid 19 trong quá khứ.

Cúm là một bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do vi rút cúm gây ra, tình trạng bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nguy kịch. Đối với các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt đối với những người như người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mãn tính, có nguy cơ cao bị các biến chứng cúm nghiêm trọng. Có hai loại vi rút cúm (cúm) chính: Loại A và B. Các loại vi rút cúm A và B thường lây lan ở người (vi rút cúm ở người) là nguyên nhân gây ra các vụ dịch cúm theo mùa mỗi năm.

Bệnh cúm mùa xảy ra trên toàn thế giới, với tỷ lệ tấn công toàn cầu hằng năm ước tính khoảng 5-10% ở người lớn và 20-30% ở trẻ em, từ mức độ nhẹ đến nặng và thậm chí tử vong.

Trên toàn cầu, các vụ dịch hằng năm này được ước tính dẫn đến 5 triệu ca bệnh nặng và khoảng 650,000 ca tử vong do các biến chứng về hô hấp. Ước tính có tới 106,000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì bệnh cúm theo mùa.

Tỷ lệ mắc Cúm thay đổi theo vùng địa lý hằng năm. Cho đến nay, mỗi năm trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm. Bệnh cúm hàng năm vẫn gây ra những vụ dịch nhỏ với số ca tử vong do biến chứng hô hấp tương đối cao. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trong tình hình dịch Covid 19 diễn ra, số ca mắc cúm cũng đã giảm đáng kể, tuy nhiên. Khi tiếp xúc xã hội trở lại bình thường trước đại dịch, số ca mắc cúm trong mùa cúm 2022 đến 2023 cao hơn mức quan sát được trong các mùa cúm đại dịch COVID-19 (2020 đến 2021, 2021 đến 2022), trở lại mức cũ trước đại dịch. Một trong những nguyên nhân quan trọng trong việc này là tỷ lệ tiêm vắc xin cúm mùa đã giảm sau đại dịch, người dân chủ quan không tiêm ngừa vắc xin cúm.

Mục đích của việc tiêm phòng cúm là để bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc biến chứng nặng có nguy cơ khỏi tử vong nếu họ bị nhiễm trùng.

Tại sao phụ nữ mang thai nên tiêm phòng cúm?

Phụ nữ mang thai mắc cúm có nguy cơ nhập viện cao hơn gấp đôi với các đối tượng khác. Đó là do dự thay đổi về hệ thống miễn dịch, tim và phổi trong thai kỳ, Cúm có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển liên quan đến sốt và dị tật ống thần kinh. Trong loạt nghiên cứu của Harris( Mỹ), khoảng 1/4 số ca mang thai mắc bệnh cúm không biến chứng dẫn đến sảy thai. Trong số những bà mẹ viêm phổi do biến chứng cúm, hơn một nửa số đó đều dẫn đến sảy thai. PNCT mắc cúm có thể gây ra thai chết lưu, chết sơ sinh, sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Năm 2009, tại vụ dịch cúm ở New York, PNCT có tỷ lệ nằm viện do cúm cao hơn 7,2 lần và mắc bệnh cúm nặng hơn 4,3 lần so với phụ nữ không mang thai.

Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ đang hoặc có thể mang thai trong mùa cúm nên tiêm vắc xin cúm bất cứ lúc nào trong thai kỳ.

Hình 1: Phụ nữ mang thai tới cơ sở y tế tiêm ngừa Cúm mùa

Các lợi ích của việc tiêm ngừa Cúm cho phụ nữ mang thai

- Vắc xin cúm là sự bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh cúm trong suốt thai kỳ

- Giảm ½ nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp tính liên quan đến cúm

- Giảm nguy cơ nhập viện vì cúm trung bình khoảng 40%

- Trong số 1.841 người tham gia khảo sát đang mang thai, có 61,2% cho biết đã tiêm vắc xin cúm trước hoặc trong khi mang thai - Hoa Kỳ, tháng 4 năm 2020

- Tỷ lệ tiêm phòng cúm theo mùa ở phụ nữ mang thai vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 80% của Healthy People 2020 (Healthy People cung cấp các mục tiêu quốc gia 10 năm dựa trên cơ sở khoa học để cải thiện sức khỏe của tất cả người Mỹ)

- Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm vắc xin cúm mùa ở phụ nữ mang thai – có con dưới 1 tuổi là 31,25%. (NC tại tỉnh Thanh Hoá năm 2022)

- Các nghiên cứu khác tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ phụ nữ mang thai có tiêm phòng cúm chỉ giao động khoảng 30%. Kiến thức, thái độ, thực hành về việc tiêm phòng cúm ở phụ nữ mang thai cũng có tỷ lệ không cao

- Phụ nữ có thai khi được tiêm chủng vắc xin cúm có thể bảo vệ được bản thân và cả trẻ sơ sinh.

 

Tính an toàn của vắc xin cúm trên phụ nữ có thai:

- Không thấy bất cứ biến cố quan trọng cho bản thân và thai nhi hay trẻ sơ sinh của các bà mẹ dùng vắc xin Cúm

- Các nghiên cứu lớn ở Hoa kỳ và Bangladesh đã chứng minh tính an toàn của vắc xin cúm trên PNCT

- WHO khuyến cáo PNCT là nhóm ưu tiên cao nhất tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa”.

- Nên tiêm vắc xin phòng cúm 3 chủng bất hoạt (TIV) ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Khuyến cáo này dựa trên bằng chứng về nguy cơ và bằng chứng về sự an toàn của vắc xin cúm mùa trên các giai đoạn thai kỳ cũng như hiệu quả trên phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.

 

Hình 2: Vắc xin ngừa Cúm mùa

Các trường hợp cần thận trọng khi chích ngừa vắc xin phòng cúm mùa

- Bạn bị dị ứng với trứng

- Nếu bạn đang bị bệnh, có hoặc không có sốt, hãy hỏi chuyên gia y tế có thể tiêm vắc xin phòng cúm trong thời gian này không.

- Không chủng ngừa nếu bạn đã từng bị phản ứng dị ứng trầm trọng với vắc xin ngừa cúm trước đó.

- Nên cho các Bác sĩ, chuyên gia y tế biết nếu bạn bị hội chứng Guillain-Barré, một rối loạn hệ miễn dịch (hiếm gặp)

“Tiêm ngừa vắc xin Cúm là giúp bảo vệ phụ nữ có thai và trẻ em sau khi sinh”

Ths. Dương Ngọc Tuấn


Danh mục:

Bình chọn dịch vụ
Bạn nghĩ thế nào về dịch vụ của chúng tôi?
Khảo sát Covid - 19
Bạn có luôn đeo khẩu trang nơi công cộng?
Bạn cần biết
Góc ảnh buổi diễn tập phòng chống Covid-19