Điều trị bằng xoa bóp bấm huyệt tại khoa YHCT-PHCN
I. Tổng quan
Hội chứng cổ vai cánh tay (cervical scapulohumeral syndrome), còn gọi là hội chứng vai cánh tay (scapulohumeral syndrome) hay bệnh lý rễ tủy cổ (cervical radiculopathy). Là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ có kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cột sống cổ và/hoặc tủy cổ, không liên quan tới bệnh lý viêm. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là đau vùng cổ, vai và có thể lan xuống tay, kèm theo một số rối loạn cảm giác và/hoặc vận động tại vùng chi phối của rễ dây thần kinh cột sống cổ bị ảnh hưởng.
Theo Y học cổ truyền, hội chứng cổ vai cánh tay được xếp vào phạm vi Chứng Tý. Tý có nghĩa là tắc, không thông. Chứng tý là do tà khí phong hàn thấp nhiệt ở ngoài xâm nhập vào cơ thể, đóng bít ngăn trở kinh lạc, khí huyết vận hành không thông lợi mà gây ra.
Nguyên nhân thường gặp nhất (70 - 80%) là do thoái hóa cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (20 – 25%).
II. Điều trị không dùng thuốc tại khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng
Thời điểm hiện tại, các bác sĩ khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng điều trị hội chứng cổ vai cánh tay bằng các phương pháp sau: Điện châm, đèn hồng ngoại, xoa bóp bấm huyệt, siêu âm điều trị, kéo nắn cột sống
1. Điện châm
Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn công thức huyệt phù hợp, thường sử dụng một số các huyệt sau: Hậu khê, Phong trì, Đại chùy, Đại trữ, Liệt khuyết, Kiên tỉnh, Hợp cốc, Thủ tam lý, Thiên trụ, Ngoại quan, Giáp tích..
2. Đèn hồng ngoại
Tác dụng tại chỗ: Giãn mạch, giảm đau, giãn cơ
Tác dụng toàn thân: Tăng bài tiết mồ hôi, tăng tuần hoàn và nhịp tim, giảm huyết áp, tăng nhịp thở, tăng bài tiết qua thận
Hình 1: Điều trị bằng đèn hồng ngoại
Hình 2 và hình 3: Điều trị đau cổ gáy lan tay phải bằng điện châm kết hợp đèn hồng ngoại
3. Xoa bóp bấm huyệt
Đối với y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt được hiểu là tác động vào vị trí của các huyệt đạo và kinh lạc, xua đuổi tà khí, đả thông kinh mạch, đả thông kinh lạc, điều hòa hoạt động của các cơ quan nội tạng.
Kỹ thuật viên sẽ thực hiện các thủ thuật: xoa, xát, day, lăn, đấm, chặt, bóp, ấn, bấm huyệt (các huyệt như công thức điện châm), vận động cột sống cổ (cúi, ngửa,
ghiêng, quay), phát điều hòa.
4. Siêu âm điều trị
Tác dụng của siêu âm điều trị:
- Tác dụng nhiệt: giúp tăng chuyển hóa, tăng tuần hoàn, giãn mạch, chống viêm mạn tính
- Tác dụng cơ học: Làm mềm cơ, làm mềm và mờ mô sẹo
- Giảm đau: do sinh nhiệt, đồng thời tác dụng lên đầu dây thần kinh cảm giác
Hình 5 và hình 6: Điều trị bằng siêu âm tại khoa
5. Điều trị bằng máy kéo giãn cột sống/ghế kéo giãn cột sống bằng tạ
Kéo cột sống cổ là một phương pháp vật lý trị liệu dùng lực kéo để phân tán lực đó lên một và nhiều khớp trong cột sống để từ đó có thể làm tách rời chúng, sau đó nắn chỉnh những khớp bị tổn thương và bất thường.
Kéo cột sống cổ được chỉ định trong một số bệnh như sau: Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm giai đoạn đầu, thoát vị đĩa đệm vừa và nhẹ.
Tuy nhiên, một số trường hợp sau lại chống chỉ định đối với kéo cột sống cổ: Tổn thương thực thể cột sống như ung thư, lao, viêm tấy áp xe; Chấn thương cột sống có gãy xương biến dạng; Bệnh lý tủy sống và ống sống ; Thoái hóa cột sống có các cầu xương nối các đốt sống; cột sống dính khớp; Loãng xương nặng; Người bệnh già, suy kiệt; Trẻ em; Cao huyết áp, các bệnh tim nặng; Phụ nữ có thai, đang có kinh nguyệt.
Hình 7 và hình 8: Điều trị kéo nắn cột sống cổ tại khoa YHCT-PHCN
Khi gặp phải các triệu chứng như đau cổ vai gáy hoặc đau cổ vai gáy lan xuống tay là triệu chứng của hội chứng cổ vai cánh tay. cảnh báo thoái hóa cột sống cổ hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thì người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay để có biện pháp điều trị hiệu quả và kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Bs. Nguyễn Thị Như Ý