Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ có thư kêu gọi cả nước cùng hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề án giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế, các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Y tế và mọi người dân thực hiện nghiêm túc việc hạn chế sử dụng vật liệu nhựa, giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường, cứu lấy hành tinh xanh, bảo vệ sự sống đa dạng trên Trái đất. Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện hiệu quả, lâu dài.
Chất thải nhựa và thảm họa ô nhiễm chất thải nhựa:
Chất thải nhựa bao gồm các sản phẩm nhựa dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người như túi nhựa ni lông, chai nhựa (PET), ống hút nhựa, các loại chất dẻo tổng hợp… Các loại nhựa dẻo tổng hợp là sản phẩm con người tạo ra (không tự có trong thiên nhiên), là một polymer tổng hợp bao gồm nhiều hợp chất hữu cơ và vô cơ, chủ yếu có nguồn gốc từ hóa dầu olefin, gồm có polyme nhiệt dẻo (polystyrene và polyvinyl chloride) và polyme nhiệt rắn (polyisoprene); chính các sản phẩm nhựa ấy, tiện ích chỉ trong tích tắc, tác hại đến môi trường và sự sống đến cả ngàn năm.
Hiện nay, trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa PET được bán ra, mỗi năm 50.000 tỷ túi ni lông được tiêu thụ. Riêng ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi ni lông/tháng. Tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và ni lông các loại.
Các sản phẩm nhựa thải loại này sẽ đi về đâu? Có khi nào các bạn tự hỏi các sản phẩm nhựa thải loại này sẽ đi về đâu không? Đa số >90% các sản phẩm nhựa thải loại này không được tái chế dùng trở lại, chúng sẽ thành rác thải và tồn tại cả trăm đến ngàn năm. Rác thải nhựa tồn lưu trong đất, bị chôn vùi, làm phân tầng đất, trôi ra các đại dương, vỡ ra thành các mãnh vụn, thành các bẫy đe dọa các sinh vật, vô tình vào chuỗi thức ăn của động vật…Thiên nhiên không thể phân hủy được các sản phẩm rác thải nhựa.
Chất thải nhựa trong lĩnh vực y tế:
Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế (găng tay cao su, chai dịch truyền, dây truyền dịch, cây đè lưỡi…); từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Bộ Y tế yêu cầu đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị… Đồng thời thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền thông, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị. Hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
Hãy lan tỏa những hành động đẹp vì môi trường:
Thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ và phát động của Liên Hợp Quốc về “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”, từ năm 2018 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế và cam kết của các Hiệp hội doanh nghiệp, các siêu thị, Trung tâm thương mại trong việc cắt giảm các sản phẩm nhựa, túi ni lông sử dụng một lần.Đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức Chính trị - xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất thương mại có sử dụng vật liệu nhựa, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa, đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán đã ký cam kết tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Truyền thông kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và từng người dân, bằng những hành động thiết thực hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần, ngưng sử dụng ngay hôm nay và ngay bây giờ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe con người. Kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện mới môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Trước hết, xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Sau đó tiến tới sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tự phân hủy, thay thế dần việc sử dụng các sản phẩm nguồn gốc từ nhựa trong cuộc sống. Phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
Tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế về giải quyết rác thải nhựa thông qua thúc đẩy các hình thức hợp tác, hỗ trợ tiếp nhận công nghệ về quản lý, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế nhựa, ni lông.
Hãy hành động trước khi quá muộn, tất cả vì môi trường thân yêu của chúng ta. Bạn có thể bắt đầu từ việc thay thế ống hút, bàn chải nhựa bằng ống hút và bàn chải tre; không dùng chai nhựa PET, hạn chế dùng túi ni lông... Hãy cùng nhau lan tỏa hành động đẹp, chung tay bảo vệ môi trường vì một hành tinh xanh nhé./.